THỂ LỆ HỘI THI

I. Mục đích, yêu cầu

  1. Mục tiêu chung: Thúc đẩy phong trào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi từ hình thức dạy học truyền thống sang giảng dạy thông qua nền tảng công nghệ số hóa. Áp dụng hình thức dạy học từ xa, trực tuyến theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học đáp ứng xu thế công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
  2. Mục tiêu cụ thể:
    1. Thu hút sự quan tâm của Bộ, ngành, địa phương; khuyến khích nhà giáo và cơ sở GDNN đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNTT vào thiết kế, tổ chức và quản lý dạy học trực tuyến phù hợp với đặc điểm GDNN và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
    2. Nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực dạy học trực tuyến của đội ngũ nhà giáo, đẩy mạnh phong trào ứng dụng CNTT trong đổi mới dạy học, hướng đến hệ thống GDNN mở và linh hoạt.
    3. Tôn vinh trí tuệ, công sức của nhà giáo, cơ sở GDNN tích cực ứng dụng CNTT trong dạy học và triển khai dạy học trực tuyến. Khuyến khích giao lưu, học tập kinh nghiệm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong GDNN.
    4. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống CNTT, dữ liệu và tài nguyên số dùng chung, chia sẻ trong toàn ngành GDNN.
  3. Yêu cầu

– Các bài dự thi phải là ý tưởng, sản phẩm của chính tác giả và chưa được công bố hay tham gia bất kỳ cuộc thi nào.

– Việc tổ chức Cuộc thi phải được chuẩn bị chu đáo về nội dung, hình thức cũng như các bước tiến hành, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Các đơn vị, cá nhân tham gia Cuộc thi trên tinh thần đóng góp, giao lưu, chia sẻ, thực hiện đúng các nội dung của Thể lệ Cuộc thi và các quy định của Ban tổ chức Cuộc thi.

II. Nội dung, phạm vi và đối tượng dự thi

  1. Loại bài giảng và yêu cầu nền tảng ứng dụng:

– Bài giảng trực tuyến dự thi là bài tích hợp. Nội dung dạy học thuộc chương trình mô đun mà nhà giáo được phân công giảng dạy và có thời gian từ 1 đến 2 giờ dạy thực tế trên lớp.

– Bài giảng trực tuyến dự thi được cấu trúc trên nền tảng Moodle hoặc Google Classroom.

  1. Cấu trúc bài giảng trực tuyến:

Trên nền tảng Moodle hoặc Google Classroom, bài giảng trực tuyến đảm bảo đầy đủ các thành phần tối thiểu sau:

  1. Giới thiệu bài giảng: Đặt vấn đề, mô tả mục tiêu, đề cương và hướng dẫn học (khai thác) bài giảng.
  2. Nội dung bài giảng: Lý thuyết liên quan, quy trình thực hành và hướng dẫn mẫu quy trình thực hành
  3. Luyện tập – Vận dụng: Hệ thống câu hỏi ôn tập, bài tập vận dụng và những minh họa vận dụng nội dung học tập vào thực tiễn (nếu có)
  4. Kiểm tra – Đánh giá: Hệ thống câu hỏi, bài tập kiểm tra kết quả học tập của học sinh, sinh viên được áp dụng trong bài giảng
  5. Tương tác giữa người học với hệ thống: Người học cung cấp hoặc phản hồi thông tin liên quan đến hoạt động học; người dạy phản hồi thông tin, hướng dẫn học tập cho người học; liên lạc giữa người dạy hoặc người hướng dẫn với người học trong suốt thời gian học tập với bài giảng.
  6. Tài liệu tham khảo: Hệ thống tài liệu học tập điện tử (văn bản, hình ảnh và video) cung cấp cho người học tham khảo thêm ngoài bài giảng.

3. Phạm vi tổ chức cuộc thi:

Cuộc thi được tổ chức trong toàn thể hệ thống GDNN, thực hiện theo các cấp:

– Cấp cơ sở GDNN

– Cấp Sở Lao động – Thương binh & Xã hội

– Cấp toàn quốc

  1. Đối tượng dự thi: Tất cả nhà giáo trong các cơ sở GDNN đều có thể tự nguyện đăng ký tham dự.

III. Yêu cầu đối với bài dự thi

  1. Bám sát nội dung của cuộc thi.
  2. Cấu trúc bài dự thi phải rõ ràng, bao gồm:

a) Phần thuyết minh sản phẩm: Bài dự thi phải đầy đủ các thông tin về Tên bài dự thi, Chủ đề, Thông tin nhà giáo, email và số điện thoại liên lạc, đơn vị công tác, địa chỉ; công nghệ sử dụng trong bài giảng, ý tưởng về phương pháp sư phạm, tháng/năm hoàn thành sản phẩm (được trình bày trong một tệp văn bản).

b) Phần nội dung sản phẩm: Phải hoàn chỉnh một nội dung cụ thể (quy định tại khoản 1 và 2 phần II của Thể lệ này), trình bày theo kịch bản giảng dạy của nhà giáo. Ngoài ra, ghi rõ trang thông tin về tài liệu tham khảo, cần ghi rõ nguồn gốc của thông tin tham khảo sử dụng trong bài dự thi. Tài liệu tham khảo không vi phạm bản quyền (được cấp phép sử dụng theo giấy phép phù hợp).

3. Sản phẩm dự thi của mỗi nhà giáo là 01 bài giảng trực tuyến hoàn chỉnh (quy định tại khoản 1 và 2 phần II trong Thể lệ này). Trong đó, hồ sơ dự thi bao gồm:

– Kế hoạch dạy học (giáo án) thể hiện ý tưởng sư phạm về thiết kế khóa học trên nền tảng Moodle.

– Cấu trúc khóa học trên nền tảng Moodle.

  1. Nhà giáo có bài thi đồng ý rằng việc khai thác, sử dụng và chia sẻ bài dự thi thuộc quyền của Ban Tổ chức.

iV. Các vòng thi, mốc thời gian của cuộc thi và thông tin liên lạc

  1. Vòng 1:

a) Các Sở Lao động – Thương binh & Xã hội hoàn thành việc tổ chức cuộc thi cấp cơ sở GDNN và cấp Sở trước ngày 15/9/2021. Bài giảng trực tuyến dự thi có thể được cấu trúc trên nền tảng Moodle hoặc Google Classroom.

b) Mỗi Sở Lao động – Thương binh & Xã hội lựa chọn 02 bài giảng trực tuyến đạt giải Nhất và Nhì tại cuộc cấp Sở tổ chức để đăng ký dự thi toàn quốc. Riêng các thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ) có thể lựa chọn, đăng ký dự thi từ 03 – 05 bài giảng trực tuyến được chọn từ các giải Nhất, Nhì và Ba tại cuộc thi do Sở tổ chức.

c) Hình thức gửi bài theo hướng dẫn cụ thể của BTC.

2. Vòng 2:

a) Ban Tổ chức tiếp nhập các bài dự thi đạt giải cấp địa phương: Từ ngày 16/9/2021 đến hết ngày 30/9/2021 theo ngày gửi trên hệ thống (BTC sẽ có văn bản hướng dẫn).

b) Bài dự thi chỉ được cấu trúc trên nền tảng Moodle (Mỗi nhà giáo tham gia dự thi sẽ được cung cấp 01 tài khoản để cấp trúc bài giảng trên nền tảng LMS của BTC). Bài dự thi khi nộp sẽ không được rút lại. Sau 05 ngày kể từ hạn cuối cùng gửi bài dự thi, Ban Tổ chức sẽ đăng tải thông tin chi tiết bài dự thi của các nhà giáo lên hệ thống của Cuộc thi hoặc Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Các thắc mắc của nhà giáo gửi đến Ban Tổ chức trong vòng 03 ngày kể từ ngày thông tin bài dự thi được công bố. Ban Tổ chức không giải đáp bất kỳ thắc mắc nào của nhà giáo ngoài thời gian trên.

c) Ban Giám khảo tổ chức chấm tất cả các bài đăng ký dự thi từ ngày 10/10/2021 đến 20/10/2021 theo hình thức trực tuyến để lựa chọn ra từ 08-10 bài giảng tiêu biểu nhất vào Vòng 3 của cuộc thi.

3. Vòng 3:

a) Ngày 20/10 – 27/10/2021, Ban tổ chức thông báo 08-10 bài giảng trực tuyến được lựa chọn vào Vòng 3.

b) Ngày 29/10/2021 đến 02/11/2021, Ban Giám khảo tổ chức chấm bài theo hình thức phỏng vấn trực tiếp nhà giáo của 08-10 bài giảng tiêu biểu (tại Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021). Thời gian trình bày, phỏng vấn và trả lời cho mỗi bài giảng dự thi là 30 phút.

c) Thời gian công bố kết quả: Ngày 03/11/2021.

4. Lễ phát động cuộc thi:

a) Thời gian: Ngày 19/7/2021.

b) Hình thức tổ chức: Kết hợp trực tiếp và trực tuyến

– Trực tiếp: 35-40 đại biểu, tại Hà Nội.

– Trực tuyến: Các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ sở GDNN.

  1. Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi: Tại Lễ bế mạc Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc (ngày 05/11/2021), TP Vinh, Nghệ An.
  2. Thông tin liên lạc và giải đáp thắc mắc:

a) Thường trực Ban Tổ chức của cuộc thi: Vụ Nhà giáo, Tổng cục GDNN. Địa chỉ: Phòng 802, tầng 8, tòa nhà Minori, 67A Trương Định, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: (+84) 2439740333 (số máy lẻ 802). Email: tcgdnn@molisa.gov.vn.

b) Tất cả thông báo của Ban Tổ chức cuộc thi được đăng tải trên website của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (http://gdnn.gov.vn) và được gửi vào thư điện tử đã đăng ký của nhà giáo (nếu có).

V. Tiêu chí đánh giá

  1. Nội dung và công nghệ (Đầy đủ, chính xác, chất lượng tài liệu, học liệu, tài nguyên…)
  2. Phương pháp (Tương tác, đánh giá, quản lý kiểm soát, phản hồi, thu hút của người học,…)
  3. Hình thức (Hấp dẫn, bố trí khoa học,…)
  4. Hiệu quả (Đáp ứng mục tiêu, người học tích cực, chủ động rèn luyện, đánh giá được kết quả giờ giảng, phát huy tác dụng của CNTT,…).

VI. Giải thưởng

  1. Cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì và 04 giải Ba.
  2. Nhà giáo đạt giải tại cuộc thi được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và phần thưởng. Cơ cấu giải thưởng có thể thay đổi dựa theo kết quả và chất lượng của bài dự thi. Ban Tổ chức có thể huy động thêm giải thưởng (nếu có).
  3. Thành tích của nhà giáo tham gia Cuộc thi được xem xét sử dụng làm tiêu chí đánh giá thi đua của năm học.

VII. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

  1. Với mục tiêu của cuộc thi là khuyến khích nhà giáo tham dự tạo ra nhiều bài dự thi có tính ứng dụng, thiết thực và đáp ứng công nghệ, Ban tổ chức sẽ không giải quyết các khiếu nại về kết quả của cuộc thi. Ban Tổ chức chỉ xem xét những khiếu nại liên quan đến việc sở hữu bài dự thi đạt giải thưởng.
  2. Bài dự thi phải tuân thủ các qui định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  3. Người khiếu nại cần thông báo bằng văn bản chính thức cho Ban tổ chức. Trong đó ghi rõ thông tin của người gửi để Ban tổ chức liên lạc khi cần thiết. Việc gửi thư thông báo cho Ban tổ chức phải được thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả.
  4. Nếu xác định bài dự thi đạt giải thưởng chính thức có vi phạm, tuỳ theo mức độ, Ban tổ chức sẽ quyết định thu hồi giải thưởng và các lợi ích vật chất từ giải thưởng.

VIII. Tổ chức thực hiện

  1. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn các địa phương, cơ sở GDNN, nhà giáo tham gia cuộc thi. Thành lập Ban giám khảo tổ chức đánh giá các bài dự thi cấp toàn quốc; công bố kết quả và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt, khen thưởng; giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức Cuộc thi; có thể sửa đổi, bổ sung Thể lệ Cuộc thi để phù hợp với thực tế triển khai và thông báo kịp thời tới các cá nhân, tập thể tham gia Cuộc thi.
  2. Đơn vị thường trực: Vụ Nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, phòng 802, tòa nhà Minori, 67A Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  3. Trách nhiệm của các địa phương

a) Phổ biến Thể lệ cuộc thi này đến tất cả các cơ sở GDNN trên địa bàn.

b) Chỉ đạo các cơ sở GDNN tổ chức, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo tham gia dự thi.

c) Áp dụng hình thức và nội dung của Thể lệ này tổ chức cuộc thi Thiết kế dạy học trực tuyến tại địa bàn cấp tỉnh, đánh giá, phân loại hoặc sử dụng kết quả đánh giá tại cơ sở gửi sản phẩm dự thi cấp toàn quốc về Ban Tổ chức.

4. Trách nhiệm của các cơ sở GDNN

a) Phổ biến Thể lệ cuộc thi này đến nhà giáo của nhà trường.

b) Chỉ đạo, tổ chức, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo tham gia cuộc thi.

c) Tổng hợp, kiểm tra bài dự thi của nhà giáo trước khi gửi về Ban Tổ chức./.

TỔNG CỤC GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP